Băng vệ sinh Organic thế hệ mới

umate

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung (HPV) và những điều cần biết

24 tháng 06 2024
Tuyết Content

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp đứng thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam từ độ tuổi 15 – 44. 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. 

Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, có hơn 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. 

Vì vậy, chị em cần có kiến thức liên quan đến ung thư cổ tử cung để bảo vệ sức khỏe của mình một cách tốt nhất.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, phát triển trong các tế bào của cổ tử cung - phần thấp nhất của tử cung kết nối với âm đạo. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. 

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới

Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Mối liên hệ giữa virus HPV và ung thư cổ tử cung

HPV là viết tắt của Human Papillomavirus, một loại vi khuẩn thuộc họ Papovaviridae gây u nhú ở người và là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung.

HPV có thể lây qua hoạt động tình dục trực tiếp, hoặc thậm chí là từ da và niêm mạc người bị nhiễm sang da và niêm mạc của bạn tình. 

Có hơn 100 chủng loại HPV, trong đó khoảng 14 chủng được coi là có nguy cơ cao gây ra ung thư. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, việc tiêm phòng HPV là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Các nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ nhiễm HPV:

  • Quan hệ tình dục sớm: Ở độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi sự lây nhiễm HPV xảy ra nhiều nhất, sau đó giảm nhanh. Vì thế, quan hệ tình dục ở độ tuổi trẻ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV. 

  • Nhiều bạn tình: Có nhiều bạn tình hoặc bạn tình có nhiều đối tác tình dục làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV.

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

  • Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV, dễ bị nhiễm HPV hơn và có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.

  • Tiền sử gia đình: Có người thân từng mắc ung thư cổ tử cung cũng là một yếu tố nguy cơ.

Có nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung?

Đến nay, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng HPV khá an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.

Có nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung (HPV)?

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả cao nhất khi chị em tiêm phòng trước lần quan hệ tình dục đầu tiên và trong độ tuổi từ 9 đến 26.

Vaccine HPV có thể ít hiệu quả trên những chị em đã phơi nhiễm với virus HPV, nhưng vẫn có tác dụng đối với:

  • Những chị em đã quan hệ tình dục, đã có triệu chứng tế bào học cổ tử cung bất thường hay mụn cóc vẫn có thể có lợi từ việc tiêm phòng HPV.

  • Những chị em đã nhiễm virus HPV trước đó nếu tiêm vaccine HPV có thể tạo kháng thể bảo vệ đối với những loại HPV mà bạn chưa nhiễm.

Các loại vacxin phòng ung thư cổ tử cung

Hiện nay, có ba loại vắc xin chính trên thị trường: Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix. 

  • Vaccine Cervarix (2vHPV) nhằm vào 2 loại HPV sinh ung là 16 và 18, được tìm thấy trong 66% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

  • Vaccine Gardasil (4vHPV) nhằm vào 2 loại HPV sinh ung phổ biến là type 16 và 18 cộng thêm 2 loại HPV không sinh ung (gây mụn cóc sinh dục) là type 6 và 11.

  • Vaccine Gardasil 9 (9vHPV) nhằm vào cả bốn loại HPV type 16, 18, 6, và 11 kể trên, cộng thêm 5 loại có nguy cơ cao sinh ung khác là 31, 33, 45, 52 và 58. 5 loại HPV này gây ra khoảng 15% tổng số ca ung thư cổ tử cung.

Có 3 loại vaccine HPV

Đối tượng cần tiêm phòng HPV

Ủy Ban Tư Vấn về Quy Trình Phòng Ngừa Miễn Dịch (ACIP) đề nghị các đối tượng cần được tiêm phòng vaccine HPV như sau:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ em gái và trai trong độ tuổi từ 9 đến 14, tốt nhất là trước khi có quan hệ tình dục lần đầu.

  • Phụ nữ và nam giới từ 15 đến 26 tuổi: Dù không tiêm từ sớm, việc tiêm phòng trong giai đoạn này vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ.

  • Người lớn từ 27 đến 45 tuổi: Theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm phòng cho những người chưa từng tiêm hoặc chưa nhiễm HPV.

Quy trình tiêm phòng HPV

  • Số liều tiêm: Tùy theo độ tuổi và loại vắc xin, lịch tiêm phòng có thể gồm 2 hoặc 3 liều.

  • Khoảng cách giữa các liều: Đối với lịch 2 liều, các liều cách nhau 6-12 tháng. Đối với lịch 3 liều, tiêm liều thứ hai sau 1-2 tháng từ liều đầu và liều thứ ba sau 6 tháng từ liều đầu tiên.

  • Nơi tiêm phòng: Tiêm phòng HPV có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa.

Tác dụng phụ sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Sau khi tiêm phòng, chị em có thể bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Ngoài ra, chị em còn có thể bị dị ứng với thành phần nấm men trong vacxin ung thư cổ tử cung. Một số biểu hiện dị ứng chị em nên để ý là nổi mề đay, khó thở, tim đập nhanh, choáng váng, hay nôn mửa. Mặc dù rất hiếm người bị dị ứng, nhưng nếu cơ thể xuất hiện các dấu trên, chị em nên đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và thăm khám kịp thời nhé.

Lưu ý trong và sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung

- Nên kiểm tra sức khỏe và tư vấn đầy đủ trước khi tiêm để đảm bảo an toàn.

- Nên tiêm cùng một loại vaccine HPV cho cả ba liều.

- Nếu việc tiêm thuốc bị gián đoạn (tiêm trễ hạn), nên nhớ:

  • Không lặp lại từ đầu mà hãy tiếp tục liệu trình.

  • Nếu mũi 2 bị tiêm trễ thì phải tiêm mũi 2, sau đó tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất là 3 tháng.

- Có thể tiêm vaccine HPV cùng lúc với các vaccine khác như: uốn ván, bạch hầu, ho gà. Chỉ cần tuân thủ rằng không được hòa chung vào một ống tiêm.

- Nếu đang có thai, chị em không nên tiêm vaccine HPV, sẽ tạm hoãn lịch tiêm, hoàn tất lịch tiêm tiếp tục sau khi sinh con.

Trên đây là những chia sẻ hữu ích của Umate, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ và lên kế hoạch tiêm phòng HPV cho bản thân ngay hôm nay nhé.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Hotline 035 66 00 286
Liên hệ qua Zalo
Messenger